Độc đáo nhà cổ theo lối kiến trúc “kẻ truyền” Bắc Bộ

Cập nhật: 29/12/2020

Lượt xem: 533

Nức danh vùng đất Đông Anh (Hà Nội), được làm chủ yếu bằng gỗ mít, kiến trúc theo lối “kẻ truyền” Bắc Bộ…, ngôi nhà cổ của anh Nguyễn Minh Tuân được xem là chuẩn mực của nét đẹp truyền thống.

Ngôi nhà mang nét đẹp truyền thống của lối nhà “kẻ truyền” Bắc Bộ.

Để làm ngôi nhà này, ngoài việc bỏ tiền tỷ, anh Tuân còn “lao tâm khổ tứ” hàng năm trời tìm hiểu về nhà cổ, cất công tìm gỗ, kén thợ… Anh lặn lội lên Phú Thọ chọn một ngôi nhà thuộc hàng quan tước thời xưa, thiết kế và làm mới. Căn nhà được làm hoàn toàn theo lối kiến trúc cổ ngày xưa. Từng cái song cửa, bức trướng… vẫn giữ nguyên bản theo mô hình truyền thống “Tam gian nhị hạ” (ba gian hai chái) của người Việt. Anh kể: “Năm 2008 tôi đã lên kế hoạch xây dựng một căn nhà cổ cho riêng mình nhưng phải mất 2 năm gom gỗ, kén thợ, đến năm 2010 ngôi nhà mới bắt đầu được tiến hành xây dựng…”

Căn nhà nổi tiếng cả vùng bởi các hoa văn chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo có mùi thơm riêng của gỗ mít – thứ gỗ chất đượm tinh túy đất trời mà hiếm ngôi nhà gỗ bình thường khác có được. Tất cả các công đoạn chạm khắc đều được các nghệ nhân nổi tiếng tỉ mỉ trau chuốt bằng tay vì thế mất khá nhiều thời gian, công sức mới hoàn thiện. Mái ngói cũng thuộc hàng ngói nung rơm thủ công cực hiếm. Bên cạnh đó đồ đạc trong nhà từ câu đối, bình phong, sập gụ, hương án, tủ chè… hay cảnh điền viên non nước cũng được thiết kế theo lối cổ và bằng các loại gỗ quý… Phần bàn thờ có ba cấp: Phía trong cùng ở vị trí cao nhất (ngai) của các cụ. Ở giữa – giường thờ ở vị trí thấp có mâm vuông, trên mâm vuông có mâm vầm. Phía trước có án gian được chạm khắc họa tiết cầu kỳ và sơn son thếp vàng. Trên cùng của gian thờ có bức trướng, đôn bằng đồng bày hai bên, hai chiếc lọ bằng gỗ quý và “độc”. Trước bàn thờ là chiếc sập gụ. Chiếc sập này không phải là nơi để nằm mà là nơi bày cỗ mặn.

 Anh Tuân mong muốn thế hệ con cháu sẽ gìn giữ được lối nhà “kẻ truyền”.

Bao phủ lên toàn bộ ngôi nhà là những nét hoa văn rồng, phượng, bộ tứ quý… mà anh Tuân gọi chúng là “tiền kẻ hậu bẩy” bởi các nét hoa văn đó mang đặc thù riêng của lối nhà “kẻ truyền” Bắc Bộ đã có từ hàng nghìn năm nay. “Việc làm nhà cổ không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là để đền đáp công ơn của bố mẹ, muốn làm rạng danh cho dòng họ tổ tiên của nhà mình. Mỗi khi bước chân vào ngôi nhà, cảm giác trong tôi giống như một kẻ xa quê hương lâu ngày, nay được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngoài ra, khi sống trong nhà cổ, tinh thần con người cũng thư thái, lạc quan hơn”, anh Tuân chia sẻ.

Nối tiếp giá trị truyền thống của lối nhà “kẻ truyền” Bắc Bộ, anh Tuân luôn truyền cảm hứng về tình yêu ngôi nhà cho những người con của mình. Anh tự hào khi được cùng các thành viên trong gia đình sống dưới nếp nhà cổ. Anh hy vọng những thế hệ sau sẽ tiếp nối, giữ gìn ngôi nhà mà anh tâm huyết làm, coi đó là “máu xương”, “chốn mong về” của mình.

Tin tức nổi bật

0969556611